loi chua anh bia anh bia
1 2 3 4

Điều Lệ Hội Thánh

Hội Thánh Phước Lành San Diego
Vietnamese Baptist Church of San Diego
4747 College Ave, San Diego, CA.92115



Điều Lệ Hội Thánh










San Diego, ngày 28 tháng 12 năm 2014
Điều Lệ
Hội Thánh Phước Lành San Diego

Điều 1: Danh Xưng
Danh xưng chính thức của Hội Thánh sẽ là: "Hội Thánh Phước Lành San Diego"; và trong tiếng Anh sẽ là "Vietnamese Baptist Church of San Diego."
Hội Thánh Phước Lành San Diego được thành lập vào ngày 8 tháng 3 năm 1999 theo biên bản do Ms Nguyễn Thành Tâm ký. Dù Hội Thánh Phước Lành San Diego là một hội thánh độc lập, nhưng có sự liên kết và trực thuộc pháp lý với giáo hội Baptist General Conference và the Southwest Baptist Conference.

Điều 2: Mục Đích
Mục đích của hội thánh đó là thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi, học hỏi Lời của Chúa trong Kinh Thánh, cầu nguyện, yêu thương khích lệ lẫn nhau trong cuộc sống, cử hành các thánh lễ, thực hành các nghi lễ và truyền giảng phúc âm cho người chưa tin Chúa Giê-xu. Thể hiện qua các phần sau:
1.         Yêu thương nhau qua mối thông công (fellowship) [Giăng 13:31-35; Công vụ 2:42-47; Ê-phê-sô 4:1-32; 1 Cô-rinh-tô 12-13; 1 Giăng 1:7].
2.         Trưởng thành qua sự học hỏi (discipleship): giúp đỡ thành viên trong hội thánh trưởng thành trong sự hiểu biết về Chúa và lớn lên mạnh mẽ trong đời sống tâm linh [Ma-thi-ơ 28:18-20; 2 Ti-mô-thê 2:2].
3.         Mạnh mẽ qua sự thờ phượng (worship): mọi thành viên hiệp lại để thờ phượng Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong sự yêu mến, kính sợ và vâng phục [Giăng 4:4].
4.         Mở rộng qua những mục vụ (ministry): phục vụ Chúa qua công tác giúp đỡ cộng đồng [1 Phi-e-rơ 4:10-11; Ma-thi-ơ 25:34-40; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11; Ga-la-ti 5:13].
5.         Phát triển qua việc làm chứng (evangelism): Mỗi thành viên là một nhân chứng sống cho Chúa Giê-xu. Truyền giảng Tin Lành là sứ mạng của hội thánh [Ma-thi-ơ 28:18-20; Công Vụ 1:8; Rô-ma 10:14-21; 2 Phi-e-rơ 3:9]

Điều 3: Quan Điểm Tín Lý
Quan điểm giáo lý dựa trên quan điểm của Hội Đồng Báp-tít General Conference năm 1951.
1.         Lời của Đức Chúa Trời.
Chúng tôi tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, hoàn toàn được thần hựu và không có sai phạm trong phiên bản gốc, được viết dưới sự hà hơi của Đức Thánh Linh, và rằng Kinh Thánh có thẩm quyền tối cao trong mọi vấn đề liên quan đến đức tin và đạo đức.

2.         Ba Ngôi Thiên Chúa
Chúng tôi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, tồn tại đời đời trong ba thân vị; ba thân vị này đồng đẳng trong sự hoàn hảo thánh khiết, và thể hiện sự khác nhau nhưng hòa thuận đồng nhất trong sự sáng tạo nên muôn vật, trong sự quan phòng và trong sự cứu rỗi.

3.         Đức Chúa Cha
Chúng tôi tin Đức Chúa Trời, là Cha, và là Đấng Vô Hạn, Ngài là thân vị thánh, hoàn hảo trong sự thánh khiết, khôn ngoan, quyền phép và tình yêu thương.  Chúng tôi tin rằng Ngài lấy lòng thương xót đối với loài người. Ngài lắng nghe và đáp lời cầu nguyện, và Ngài giải cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết tâm linh, cho tất cả những ai đến với Ngài qua Chúa Giê-xu Christ.

4.         Chúa Giê-xu Christ
Chúng tôi tin Chúa Giê-xu Christ, là Con Duy Nhất của Đức Chúa Trời, được hoài thai bởi Đức Thánh Linh. Chúng tôi tin vào sự ra đời đồng trinh, cuộc đời vô tội, những phép lạ, và sự dạy dỗ của Ngài.  Chúng tôi tin nơi sự chết chuộc tội của Ngài, sự sống lại thân thể của Ngài, sự thăng thiên về Trời, sự cầu thay ngày đêm của Ngài dành cho dân sự Ngài, và sự trở lại trong hình hài thấy được của Ngài trên đất.

5.         Đức Thánh Linh
Chúng tôi tin Đức Thánh Linh, Đấng ra từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con để cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và sự phán xét, và để biến đổi, làm nên thánh, và ban năng quyền cho tất cả những ai tin nơi Chúa Giê-xu Christ. Chúng tôi tin rằng Đức Thánh Linh ngự trong mỗi tín hữu trong Đấng Christ, và Ngài là Đấng ở bên giúp đỡ, dạy dỗ và hướng dẫn.

6.         Sự Tái Sanh
Chúng tôi tin rằng tất cả loài người đều là tội nhân theo bản chất và theo sự lựa chọn, vì vậy đều ở dưới sự định tội.  Chúng tôi tin rằng những ai ăn năn tội lỗi của họ và tin cậy nơi Chúa Giê-xu Christ, làm Đấng Cứu Rỗi đều được tái sanh bởi Đức Thánh Linh.

7.         Hội Thánh
Chúng tôi tin vào hội thánh phổ thông, là thân thể thuộc linh sống động, mà trong đó Đấng Christ là đầu và tất cả những người được tái sinh đều là chi thể.  Chúng ta tin vào hội thánh địa phương, là hội của những tín hữu tin nơi Chúa Giê-xu Christ, họ được báp-tem theo sự xưng nhận đức tin công khai, hiệp lại để thờ phượng, làm việc và thông công với nhau.  Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đặt để trách nhiệm của mỗi tín hữu thuộc hội thánh địa phương đó là rao giảng phúc âm của Chúa Giê-xu Christ cho thế gian hư mất.

8.         Đạo Đức Cơ Đốc
Chúng tôi tin rằng Cơ Đốc Nhân nên sống làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vì lợi ích của mọi người xung quanh; mọi cách cư xử nên phải không chỗ trách được trước mặt thế gian; người theo Chúa nên tìm kiếm sự trưởng thành và mỗi ngày trở nên giống như Đấng Christ trong sự thánh khiết và công bình.
Ngoài những sự dạy dỗ đạo đức trong Kinh Thánh và giáo lý Cơ Đốc Giáo, hội thánh không ủng hộ một số quan điểm giải nghĩa Kinh Thánh Tân Phái, các quan điểm trái với đạo đức Cơ Đốc như:
- Thờ cúng ông bà, giữ lễ giỗ và cầu nguyện với người chết
- Lối sống như vợ chồng trước hôn nhân, hoặc không hôn nhân.
- Nạo phá thai có chủ ý
- Ly dị và khuyến khích ly dị
- Ly dị giả và kết hôn giả
- Hôn nhân đồng tính và lối sống đồng tính luyến ái

9.         Các Thánh Lễ
Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Giê-xu Christ đã truyền lại hai thánh lễ chính cho hội thánh địa phương đó là Lễ Báp-tem và Lễ Tiệc Thánh. Chúng tôi tin rằng Lễ Báp-tem Cơ Đốc nên là sự dìm mình trong nước trong danh của Ba Ngôi Đức Chúa Trời, tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt Lễ Báp-tem cũng có thể được cử hành theo nghi thức rảy nước. Chúng tôi tin rằng Lễ Tiệc Thánh được Đấng Christ sáng lập để tưởng nhớ đến sự chết của Ngài. Chúng tôi tin rằng hai nghi thức lễ này nên được cử hành và gìn giữ cho đến ngày Chúa Giê-xu Christ trở lại.
Ngoài ra, Hội Thánh còn thực hành những nghi lễ như Lễ Hôn Phối, Lễ Dâng Con và Lễ An Táng.
Lễ Hôn Phối do mục sư quản nhiệm làm lễ phải bao gồm những điều kiện dành cho hai ứng viên nhận lễ như sau: (1) Tin Chúa; (2) Làm Báp-tem; (3) Học Giáo Lý Hôn Nhân; (4) Thông báo rộng rãi trước 30 ngày. Sau khi có đầy đủ những điều kiện trên, Mục sư mới có thể cử hành lễ và ký vào giấy kết hôn theo luật của tiểu bang.
Lễ Dâng Con do mục sư quản nhiệm làm lễ dành cho những gia đình có con nhỏ muốn dâng con của mình cho Đức Chúa Trời, như hành động biết ơn và hứa nguyện nuôi nấng dạy dỗ con cái trong con đường tin kính Chúa.
Lễ An Táng do mục sư quản nhiệm làm lễ dành cho thành viên và người thân của thành viên trong hội thánh qua đời.

10.      Tự Do Tôn Giáo
Chúng tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có mối liên hệ trực tiếp với Đức Chúa Trời và chỉ chịu trách nhiệm với Đức Chúa Trời về mọi vấn đề về đức tin; qua đó mỗi hội thánh là độc lập và phải tự do không lệ thuộc vào quyền lực của bất cứ tổ chức hội thánh hoặc chính phủ nào; vì vậy hội thánh và chính phủ phải tách biệt vì sự khác biệt về chức năng và trách nhiệm; và không can thiệp lẫn nhau.

11.      Tổ Chức Hội Thánh
Chúng tôi tin rằng các hội thánh địa phương có thể gây dựng lẫn nhau vì thân thể Chúa Giê-xu Christ bằng cách phối hợp với nhau trong cùng một tổ chức giáo hội. Những tổ chức giáo hội hoặc giáo hạt như vậy tồn tại và có chức năng thể hiện ý muốn chung của các hội thánh. Phối hợp liên kết trong tổ chức giáo hạt hoặc hội đồng (conference) là hành động tự nguyện và có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Các hội thánh vì vậy có thể liên kết với các hiệp hội thông công liên giáo phái theo khuôn khổ tự nguyện và độc lập.

12.      Giáo Lý Về Sự Cuối Cùng
Chúng tôi tin vào sự trở lại của Đức Chúa Giê-xu Christ cách cá nhân và trong hình hài thấy được, khi Ngài trở lại trái đất và thiết lập vương quốc của Ngài. Chúng tôi tin vào sự sống lại của thân thể; sự phán xét cuối cùng, sự hạnh phúc đời đời của người công chính, và sự đau khổ đời đời của kẻ ác.

Điều 4: Giao Ước của Hội Thánh

Với sự tin cậy nơi Đức Chúa Giê-xu Christ, là Đấng mà chúng ta tin vào sự chết hy sinh của Ngài cho chúng ta, cùng với một Lễ Báp-tem mà chúng ta nhơn danh Ba ngôi Đức Chúa Trời, và cùng chung một Đức Thánh Linh mà chúng ta nhận lãnh, chúng ta quyết tâm bởi sự giúp đỡ của Đức Chúa Thánh Linh, làm vinh hiển Đức Chúa Trời trong hội thánh này bằng cách:
(1) đầu phục sự tể trị của Chúa Giê-xu Christ là Vua
(2) vâng phục sự dạy dỗ theo Lời Chúa trong Kinh Thánh
(3) sống một đời sống thánh khiết nơi công cộng và trong đời sống cá nhân
(4) ủng hộ hội thánh trong sự cầu nguyện
(5) thường xuyên tham dự giờ lễ thờ phượng và các thánh lễ
(6) dâng hiến cách vui lòng và tự nguyện cho nhu cầu cần thiết của hội thánh, sự giúp đỡ cho người nghèo khó và rao truyền phúc âm cứu rỗi cho mọi dân tộc.
(7) sống với nhau và khích lệ nhau trong tình yêu thương của Đấng Christ
(8) liên kết và cầu nguyện với nhau cho sự hiệp một của hội thánh trong một Thánh Linh
(9) khích lệ, nâng đỡ và chịu đựng những gánh nặng của nhau và vui mừng với nhau trong sự vui mừng
(10) chậm nóng giận nhưng luôn luôn sẵn sàng và tìm cách hoà giải trong sự hoà thuận
(11) sống hoà thuận với nhau để gìn giữ sự hiệp một trong thân thể Đấng Christ, tìm kiếm sự khích lệ với tâm tình khiêm nhu, thật thà, cởi mở, ủng hộ, khích lệ và phối hợp với nhau
(12) giáo dục con cái theo đức tin Cơ Đốc
(13) rao truyền và cầu nguyện cho sự cứu rỗi của người thân trong gia đình và bạn bè

Điều 5: Quyền Hạn của Hội Thánh

Phần 1: Thẩm quyền tối cao của hội thánh tập trung vào sự quyết định của các thành viên trong hội thánh và không bị ảnh hưởng bởi quyền lực nào bên ngoài hội thành. Hội thánh này được tổ chức theo mục đích và cách tổ chức theo Điều 2 của Điều Lệ này.
Quyền của hội thánh bao gồm và không bị giới hạn theo những phần sau:
1) Được quyền tiếp nhận và quản lý các nguồn tài chánh, vì vậy có quyền giữ và sử dụng tiền bạc, tặng phẩm, được quyền bán, mua, cho thuê mướn trong sự tin tưởng và theo luật pháp chính phủ.
2) Được quyền bán, cho tặng và thanh toán bất kỳ tài sản nào, và đầu tư chính đáng, gìn giữ và sử dụng tài chính cách hợp pháp, chỉ dùng cho mục đích của hội thánh;
3) Được quyền tiếp nhận tài sản của công ty, cá nhân, hoặc tổ chức một cách pháp lý dùng cho mục đích của hội thánh.
4) Không được quyền sử dụng tài sản hội thánh hoặc để tài sản hội thánh bị sử dụng để kinh doanh cá nhân và gây mâu thuẫn với mục đích tồn tại của hội thánh, và những hoạt động trái với luật pháp đã định đối với một tổ chức miễn thuế của chính phủ.

Phần 2: Thừa nhận rằng Đức Chúa Trời và Lời của Ngài có thẩm quyền tối cao trên hội thánh của Ngài, hệ thống bỏ phiếu của các thành viên sẽ thiết lập quyền lực tổ chức của hội thánh địa phương. Sự bỏ phiếu là phương pháp để đưa ra những quyết định, tổ chức và thực hành tất cả những quyết định cần thiết cho mục vụ của cả hội thánh bao gồm vấn đề tâm linh và thuộc thể. Phương pháp này chi phối và quyết định cho những vị trí mục vụ, tư cách thành viên, và tất cả những quyết định liên quan của hội thánh đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời và con Ngài, là Chúa Giê-xu Christ.

Phần 3: Giới hạn của hội thánh được thiết lập dựa trên mục đích thành lập của hội thánh. Hội thánh được thành lập hoàn toàn không vì mục đích lợi nhuận và không cho phép bất cứ hoạt động vì lợi nhuận hoặc của cá nhân hoặc của nhóm thành viên nào trong hội thánh. Không có thành viên hoặc nhóm thành viên nào của hội thánh có tài sản cá nhân chung với hội thánh hoặc lợi dụng tài sản hội thánh để kinh doanh hoặc kiếm lợi nhuận, trừ trường hợp những hoạt động kinh doanh gây quỹ hoạt tạo nguồn tài chính cho hội thánh để phục vụ nhu cầu và mục đích chính của hội thánh.
Tất cả các tài sản của hội thánh khi không sử dụng hoặc trường hợp giải tán hội thánh thì được cho tặng và xung vào những tổ chức cứu trợ xã hội. Trong trường hợp này, hội thánh nên liên lạc với tổ chức giáo hạt The Southwest Baptist Conference để được tư vấn.
Điều 6: Thành Viên Hội Thánh

Phần 1: Điều Kiện
Tất cả thành viên trong hội thánh phải đạt những điều kiện sau. (1) Mọi thành viên trong hội thánh phải tin Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa cuộc đời mình, được tái sanh, được chứng nhận báp-tem [ngoại trừ các em dưới 18 tuổi]. (2) Tất cả thành viên đều phải chấp thuận và đồng ý với tất cả những điều khoản trong điều lệ hội thánh.
Chúng tôi tin rằng là thành viên trong hội thánh không chứng nhận sự cứu rỗi cho cá nhân. Tuy nhiên, Hội thánh chào đón và khuyến khích tất cả mọi người hiệp thông với hội thánh cùng đồng ý những điều khoản cần thiết phải có của một tổ chức; và đồng thuận trong cách tổ chức và sinh hoạt của hội thánh.

Phần 2: Chấp Thuận Thành Viên
Ban Điều Hành Hội Thánh chịu trách nhiệm xem xét và chấp thuận thành viên mới vào hội thánh.

Phần 3: Rút Khỏi Thành Viên của Hội Thánh - Bị Tước Quyền Thành Viên
1) Bất cứ thành viên nào của hội thánh đều có quyền rút tên khỏi danh sách thành viên của hội thánh theo sự đề nghị của cá nhân và sự chấp nhận của Ban Điều Hành.
2) Trong trường hợp thành viên không tuân giữ theo Lời Chúa và điều lệ của hội thánh, gây ảnh hưởng và làm gương xấu, không chịu rút tên khỏi danh sách thành viên của hội thánh, thì sẽ bị tước quyền thành viên do Ban Điều Hành quyết định.

Phần 4: Quyền Bầu Cử
Tất cả thành viên 18 tuổi trở lên được quyền tham gia bầu cử trong tất cả hoạt động bầu cử nào của hội thánh.

Phần 5: Trách Nhiệm và Quyền Hạn của Thành Viên
Ngoài việc làm theo lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh, tuân thủ theo mục đích và điều lệ của hội thánh, thành viên của hội thánh có được những quyền hạn như nhận sự giúp đỡ từ hội thánh, nhận được sự tư vấn tâm linh từ mục sư và ban điều hành hội thánh trong mọi vấn đề của cuộc sống, được khích lệ, nâng đỡ và cầu nguyện từ mục sư và tín hữu trong hội thánh. Ngoài ra, thành viên của hội thánh có quyền góp phần xây dựng hội thánh, đóng góp ý kiến để phát triển công việc hội thánh, giúp đỡ và cùng nhau khích lệ đức tin các thành viên khác trong hội thánh.
Ngoài những điều đã ghi trong điều lệ, thành viên trong hội thánh không được phép sử dụng hội thánh để vận động tranh cử chính trị, liên kết thành lập nhóm phái chính trị, tổ chức làm ăn phi pháp, tổ chức kinh doanh bất hợp pháp, tổ chức các hình thức cờ bạc, cá độ đá banh, chơi huê-hụi và các hình thức tương tự khác.
Mọi trường hợp lừa gạt và tố tụng giữa các thành viên trong hội thánh sẽ được Mục sư và Ban Điều Hành hội ý giải quyết theo khuôn khổ hoà giải. Tuy nhiên những trường hợp vượt quá quyền hạn của hội thánh, thì hội thánh sẽ không giải quyết.

Điều 7: Quản Lý Hội Thánh

Phần 1: Người Đứng Đầu, Quyền Hạn và Lãnh Đạo
Đấng Christ là đầu của hội thánh. Nhận biết Đấng Christ là người đứng đầu của hội thánh, nên cả hội thánh có quyền hạn cao nhất thông qua sự bầu cử Ban Điều Hành là người sẽ đại diện cho hội thánh. Hội Thánh làm chủ sở hữu tất cả tài sản. Hội Thánh mời gọi mục sư để phục vụ hội thánh. Mục sư là người hướng dẫn và lãnh đạo hội thánh.

Phần 2: Ban Điều Hành Hội Thánh (Nhiệm Kỳ 2 năm)
Ban Văn Phòng:
1) Trưởng Ban: là người đứng đầu điều hành mọi hoạt động trong hội thánh, là trưởng ban điều hành của tất cả các ban ngành trong hội thánh, là người điều hành các chương trình họp của hội thánh, là người lãnh đạo chính của hội thánh trong trường hợp hội thánh không có Mục sư Quản Nhiệm. Trưởng ban điều hành được hội thánh bầu cử cho một nhiệm kỳ hai năm. Người làm trưởng ban điều hành phải là thành viên hội thánh ít nhất là ba năm.
2) Thư Ký: thư ký là người thay mặt hội thánh để ghi chép lại các nội dung họp, viết biên bản và trình bảy biên bản với hội thánh. Thư ký có trách nhiệm quản lý hội thánh theo danh sách thành viên, và liên hệ mọi vấn đề liên quan đến giấy tờ pháp lý của hội thánh đối với chính phủ, và đối với các mối liên hệ khác với giáo hạt và các tổ chức hội thánh và hội đoàn.
3) Thủ Quỹ: thủ quỹ là người thay mặt hội thánh cùng với thành viên trong ban điều hành đứng tên các chủ tài khoản, tài sản của hội thánh. Thủ quỹ là người kiểm tra sổ sách tài chính liên quan đến việc thu, chi và gởi tiết kiệm của hội thánh. Thủ quỹ cùng với thư ký kết toán và làm những giấy tờ cần thiết để hội thánh khai thuế, và đóng thuế chính phủ nếu cần. Thủ quỹ kết toán trả lương, phụ cấp, love gifts cho mục sư quản nhiệm, mục sư phụ tá và các khoản thanh toán cần thiết. Để tránh sự sai sót và đảm bảo tính minh bạch, thủ quỹ cần làm việc chung với thành viên Ban Văn Phòng để việc thu chi càng được rõ ràng càng tốt.

Ban Tổ Chức Hội Thánh:
1) Thành Viên Ban Điều Hành: Thành viên ban điều hành được bầu cử để cùng làm việc với ban văn phòng và với mục sư quản nhiệm để tổ chức hội thánh hướng dẫn sự phát triển tâm linh cho toàn thể hội thánh.
Mỗi thành viên trong Ban Điều Hành sẽ nhận lãnh những công việc nhất định để thực hiện và giúp đỡ cho việc tổ chức hội thánh trở nên tốt hơn theo những phân chia các ban ngành như sau: Ban Văn Phòng, Ban Ẩm Thực, Ban Trường Chúa Nhật, Ban Thiếu Nhi, Ban Thiếu Niên, Ban Thanh Niên, Ban Trung Tráng Niên, Ban Trung Lão, Ban Truyền Giáo và Ban Thờ Phượng.
2) Điều kiện trở thành ứng viên Ban Điều Hành: là thành viên chính thức của hội thánh từ 6 tháng trở lên, trên 18 tuổi, không phân biệt nam nữ, tình nguyện hầu việc Chúa không ép buộc, và được hội thánh tín nhiệm bầu cử.
3) Nhiệm kỳ: nhiệm kỳ của thành viên Ban Điều Hành là 2 năm.
4) Từ Nhiệm: thành viên Ban Điều Hành có quyền từ nhiệm bất cứ lúc nào theo yêu cầu cá nhân và được Ban Điều Hành xem xét và chấp thuận. Nếu thành viên Ban Điều Hành cảm thấy không thể hợp tác, bận nhiều công việc không có thời gian chu toàn công tác mà hội thánh giao phó, thì nên từ nhiệm để có người khác thay thế. Ban Điều Hành sẽ đề nghị hội thánh bầu cử người thay thế theo từng trường hợp.
5) Phẩm chất của một thành viên trong Ban Điều Hành là phẩm chất của một chấp sự theo tinh thần của 1 Ti-mô-thê 3:8-13.
6) Thành viên của Ban Điều Hành phải ủng hộ lẫn nhau, đoàn kết và cùng hiệp một để xây dựng hội thánh theo sự phát triển bền vững trong đức tin. Tránh xung đột và tạo bè phái gây hiềm khích trong Ban Điều Hành.

Phần 3: Hoạt Động của Ban Điều Hành
1) Ban Điều Hành hoạt động dựa trên điều lệ hội thánh trong mọi hoàn cảnh. Ban Điều Hành chịu trách nhiệm giúp đỡ, khích lệ, hoàn thành và phát triển công việc đề ra của hội thánh.
2) Thành viên Ban Điều Hành chịu trách nhiệm hoàn tất công việc được giao trước mặt Chúa và hội thánh.
3) Hiệp một, ủng hộ, khích lệ và cầu thay cho mục sư quản nhiệm và cùng làm việc, chịu trách nhiệm thông báo, báo cáo với mục sư quản nhiệm về những công việc của ban ngành mình.
4) Ban Điều Hành phải họp lại định kỳ mỗi tháng một lần để giải quyết công việc của hội thánh. Ngoài ra, Ban Điều Hành cùng với mục sư quản nhiệm nên có 2 kỳ bồi linh trong năm và lên kế hoạch chung cho hội thánh vào cuối năm và giữa năm.
5) Mọi quyết định của Ban Điều Hành phải bỏ phiếu kín và đạt trên 1/2 số phiếu (51%)

Phần 4: Thể Lệ Ứng Cử và Bầu Cử Hội Thánh
1) Tất cả những ứng viên bầu cử vào Ban Điều Hành phải là thành viên chính thức của hội thánh ít nhất sáu tháng; ngoại trừ ba thành viên Trưởng Ban Điều Hành, Thư Ký và Thủ Quỹ phải là thành viên ít nhất là ba năm.
2) Hai vợ chồng không thể là ứng cử viên cùng một lúc. Vợ mục sư cũng không được ứng cử vào Ban Điều Hành.
3) Hệ thống bầu cử sẽ dựa trên kết quả của số phiếu bầu. Mọi hình thức khác như giơ tay hoặc lấy ý kiến số đông đều không hợp lệ.
4) Bầu chọn mục sư cần có ba phần tư (3/4) số phiếu.
5) Bỏ phiếu miễn nhiệm mục sư cần có hơn một phần hai (1/2) số phiếu.
6) Bầu chọn Ban Điều Hành cần có hơn một phần hai (1/2) số phiếu.
7) Bỏ phiếu miễn nhiệm thành viên Ban Điều Hành cần có hơn một phần hai (1/2) số phiếu.
8) Tất cả ứng viên và người bầu cử đều phải có mặt mới hợp lệ.

Phần 5: Nhiệm Vụ và Quyền Hạn của Mục sư Quản Nhiệm
1) Hướng dẫn hội thánh, là đại diện chính thức của hội thánh, đưa ra những khải tượng cho hội thánh, và hướng dẫn hội thánh thực hiện những khải tượng đó.
2) Có tấm lòng và khải tượng để hướng dẫn toàn thể hội chúng.
3) Có thẩm quyền quyết định, chịu trách nhiệm và lựa chọn mục sư, truyền đạo phụ tá với sự đồng thuận của Ban Điều Hành và sự quyết định qua bầu cử của hội thánh.
4) Có thẩm quyền quyết định, chịu trách nhiệm đề cử, lựa chọn và miễn nhiệm các nhân viên làm việc cho hội thánh.
5) Có thẩm quyền miễn nhiệm mục sư, truyền đạo phụ tá với sự đồng thuận của Ban Điều Hành và quyết định qua sự bầu cử của hội thánh.
6) Cùng với Ban Điều Hành hội thánh tìm mời mục sư mới thay thế hoặc thêm vào.
7) Sẽ là mục sư chịu trách nhiệm giảng dạy chính cho hội thánh.
8) Có  thẩm quyền tìm mời, hợp tác hoặc miễn nhiệm tất cả những mục sư và truyền đạo phụ tá tình nguyện.
9) Có thẩm quyền quyết định, quản lý và chịu trách nhiệm hướng dẫn mọi hoạt động sinh hoạt của các Ban Ngành trong hội thánh nhằm hướng dẫn và phát triển hội thánh.

Phần 6: Nhiệm Vụ và Quyền Hạn của Mục sư Phó Quản Nhiệm
1) Thay mặt mục sư quản nhiệm hướng dẫn mục vụ của hội thánh
2) Thay mặt mục sư quản nhiệm cố vấn và chịu trách nhiệm hướng dẫn những mục sư truyền đạo, các trưởng ban ngành trong hội thánh và điều hành văn phòng hội thánh.

Phần 7: Ban Tìm Mời Mục Sư Quản Nhiệm
1) Trưởng Ban Điều Hành cùng với các thành viên trong Ban Điều Hành bầu cử ba người thành lập Ban Tìm Mời mục sư quản nhiệm.
2) Mục sư quản nhiệm hiện tại nên tham gia cùng với Ban Tìm Mời để lên kế hoạch tìm mời mục sư quản nhiệm mới cho hội thánh.
3) Ban Tìm Mời nên liên kết với Giáo Hạt Southwest Conference để được hổ trợ và tư vấn về vấn đề này.

Phần 8: Kết Thúc Nhiệm Kỳ
1) Nhiệm kỳ của mục sư quản nhiệm có thể kết thúc bởi phương pháp sau:
a) Qua thư từ nhiệm, gởi đến Ban Điều Hành
b) Qua đề nghị của Ban Điều Hành cùng với sự quyết định của hội thánh qua số phiếu bầu
2) Mục sư, truyền đạo phụ tá, thành viên Ban Điều Hành trong tất cả các chức vụ có thể được từ nhiệm bởi phương pháp sau:
a) Qua thư từ nhiệm, gởi đến Ban Điều Hành.
b) Qua đề nghị của Ban Điều Hành, của Mục sư Quản Nhiệm và số phiếu hợp lệ của hội thánh.

Điều 8: Ủng Hộ và Trách Nhiệm
Vì chúng ta đều là thành viên của thân thể Đấng Christ, chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau, ủng hộ, chịu và chia sẻ trách nhiệm với nhau, theo tinh thần sau:
1) Mục sư quản nhiệm chịu trách nhiệm với hội thánh thông qua Ban Điều Hành
2) Ban Điều Hành hội thánh chịu trách nhiệm lẫn nhau, với mục sư quản nhiệm và với hội thánh.
3) Các trưởng Ban Ngành chịu trách nhiệm với mục sư quản nhiệm, với Ban Điều Hành và với thành viên thuộc ban ngành mình hướng dẫn.
4) Hội chúng sẽ chịu trách nhiệm lẫn nhau, ủng hộ và khích lệ những người làm việc trong các ban ngành, và với mục sư quản nhiệm.

Điều 9: Chấp Thuận và Chỉnh Sửa Điều Lệ.

Phần 1: Điều Lệ Hội Thánh
Điều lệ này sẽ là văn bản hướng dẫn điều hành hội thánh theo sự đòi hỏi của The California Corporations Code.
Phần 2: Chỉnh Sửa Điều Lệ
Điều lệ này sẽ được chỉnh sửa bởi sự chấp thuận của Ban Điều Hành hội thánh và cùng với sự chấp thuận của cả hội thánh như là văn bản hướng dẫn điều hành hội thánh. Điều lệ cần được cả hội thánh bỏ phiếu chấp thuận với hơn ba phần tư (3/4) số phiếu bầu. Mọi sự thay đổi chỉnh sửa cần phải thực hiện hoàn chỉnh 45 ngày trước khi hội thánh bỏ phiếu chấp thuận.

Ban Điều Hành Hội Thánh Phước Lành
soạn thảo và chấp thuận điều lệ này
vào lúc 3 giờ chiều ngày 28 tháng 12 năm 2014.


Võ Kim Thanh                      Nguyễn Thị Hương             Phan Thị Tuyết         Lê Julie


Trương Bửu Khánh                         Trương Bửu Thịnh              Lê Timothy                           



Ms Lê Vĩnh Phước

No comments:

Post a Comment

Đóng Góp Ý Kiến