loi chua anh bia anh bia
1 2 3 4

Tuesday, July 28, 2015

Tisha b'Av: The Third Holy Temple Plans Have Begun



Dân Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu khởi động chương trình xây dựng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Thứ 3 trong ngày Tisha B'Av (Ngày 9 tháng Av). Đây là một trong những điều ứng nghiệm Khải Huyền 11. Đền thờ này không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời không ngự trong đền thờ tay người làm ra.
Ê-sai 66:1-2 "Đức Giê-hô-va phán như vầy: Trời là ngai Ta, đất là bệ chân ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi cho ta? Đức Giê-hô-va phán: Mọi sự nầy đều bởi tay ta làm ra, và có như vậy. Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó có lòng ăn năn đâu đớn, nghe lời nói ta mà run."
Chúa Giê-xu đã làm xong sự đền tội bằng sự chết của Ngài trên thập tự giá. Vì vậy sẽ không còn của lễ chuộc tội nào nữa. Dự án Đền thờ Giê-ru-sa-lem thứ 3 có thể khôi phục lại hệ thống tế lễ sinh vật như thời Cựu Ước.
Khải Huyền 11 có thể được ứng nghiệm trong những năm tháng tới. Nguyện Chúa thương xót và cứu người Y-sơ-ra-ên, cũng như tất cả ai kêu cầu cùng danh Yeshua (Giê-xu).
PhuocLe

Thì Giờ Để Ăn Năn

Tuesday, June 23, 2015

Hỡi Con! Hãy Nghe Lời Khuyên Dạy của Cha



Bài Giảng Lễ Mẫu Thân 21 tháng 6 năm 2015
Kinh Thánh: Châm Ngôn 4:1-9
Câu gốc: Châm Ngôn 1:8
"Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của Cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con."

Thursday, March 12, 2015

Suy Gẫm Lời Chúa Bài 17

Bài 17:
Đi Theo Tiếng Gọi của
Đức Chúa Trời



Nếu câu chuyện của Nim-rốt và tháp Ba-bên giải thích vì sao loài người tràn ra trên mặt đất với nhiều ngôn ngữ và tiếng nói khác nhau thì đây cũng chính là tiền đề cho câu chuyện lịch sử của dân Do-Thái. Sáng Thế Ký chương 12 mở đầu câu chuyện về tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham, và đây cũng là nhân vật mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm về cuộc đời và đức tin của ông.
Câu hỏi 1: Áp-ra-ham là ai? Vì sao Đức Chúa Trời chọn và kêu gọi ông?
Áp-ra-ham là con trai của Tha-rê, thuộc dòng dõi của Sem, con trưởng nam của Nô-ê. Sem là dòng dõi được Đức Chúa Trời ban phước (9:26). Kinh Thánh không mô tả(1) về cuộc đời của Áp-ra-ham cho đến lúc ông được 75 tuổi. Tuy nhiên, những phần giải thích của tài liệu Midrash Do Thái đã đóng góp phần nào cho sự hiểu biết về bối cảnh xã hội của Áp-ra-ham thời bấy giờ. Thời điểm của Áp-ra-ham lúc bấy giờ cũng là thời điểm mà Nim-rốt là người cai trị nhiều thành phố và quản trị cả vùng Mê-sô-bô-ta-mi. Dưới sự cai trị và bành trướng của Nim-rốt, các dân tộc lúc bấy giờ phải thờ lạy thần Mặt Trời và các thần tượng khác. Tha-rê, cha của Áp-ra-ham cũng là người thờ thần tượng và theo sự dẫn dắt của Nim-rốt. Áp-ra-ham từ nhỏ đã học biết về Đức Chúa Trời, trở nên kính sợ và thờ phượng Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham chống đối (2) sự thờ phượng thần tượng của cha mình cũng như sự thờ thần tượng của những người xung quanh. Nếu Nô-ê là người công bình trước mặt Đức Chúa Trời, thì Áp-ra-ham cũng là người kính sợ (3) Đức Chúa Trời như vậy. Vì sống giữa một dân tộc và cộng đồng thờ thần tượng, Áp-ra-ham phải đối diện nhiều sự chống đối và bách hại từ Nim-rốt và cộng đồng xung quanh, nên Áp-ra-ham và gia đình phải rời quê hương mình là U-rơ đi qua xứ Ca-na-an (11:31). Đây có thể là những lý do Đức Chúa Trời chọn và kêu gọi Áp-ra-ham phải ra khỏi (4) quê hương, vòng bà con và nhà cha người (12:1) để đi đến một xứ mà Chúa sẽ chỉ cho.
Câu hỏi 2: Lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham là gì? Áp-ra-ham đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời như thế nào?
Tiếng gọi (5) của Đức Chúa Trời trên Áp-ra-ham đó là phải ra khỏi quê hương, khỏi gia đình, nơi mà người ta thờ thần tượng và thần Mặt trời, để đi theo sự hướng dẫn của Chúa và thờ phượng Ngài. Tiếng gọi của Đức Chúa Trời kèm theo một lời hứa (6) rất đặc biệt đó là: "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.(7) Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước." (12:1-3)
Kinh Thánh cho biết Áp-ra-ham đáp ứng (8) lại tiếng gọi chỉ trong một câu rất ngắn gọn. "Rồi, Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy." Tuy nhiên, ra đi theo tiếng gọi của Chúa là một quyết định không dễ dàng. Kinh Thánh chép rằng: "Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu." Hành động vâng theo tiếng gọi của Chúa được Kinh Thánh mô tả là hành động đức tin,(9) vì Áp-ra-ham không biết mình đi đâu. Lời hứa trở thành một dân tộc lớn lại càng khó hiểu vì Áp-ra-ham và vợ là Sa-rai đã già và không có con. Vùng đất mà Đức Chúa Trời chỉ cho là vùng đất của một dân tộc khác, là nơi đã có người sinh sống.
Tuy nhiên, vì sự kính sợ và yêu mến Đức Giê-hô-va nên Áp-ra-ham đã quyết tâm và hết lòng bước theo sự hướng dẫn của Chúa trên cuộc đời mình. Chính bởi điều này, Áp-ra-ham đã trở nên tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên và không chỉ vậy, ông là tổ phụ (10) của tất cả những ai đặt đức tin mình nơi Đức Chúa Trời.
Câu Hỏi Thảo Luận:
1) Xã hội loài người trong thời điểm của Áp-ra-ham là gì? Vì sao Đức Chúa Trời chọn và kêu gọi Áp-ra-ham?
2) Hãy phân tích vì sao Áp-ra-ham vâng theo tiếng gọi của Chúa được cho là hành động đức tin? Đức tin là gì?
3) Đức Chúa Trời đang kêu gọi bạn làm gì? Bạn sẽ đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời trên cuộc đời mình như thế nào? Bạn học được điều gì về đức tin nơi Đức Chúa Trời?

Sunday, February 15, 2015

Suy Gẫm Lời Chúa - Bài 16

HỘI THÁNH PHƯỚC LÀNH SAN DIEGO

Suy Gẫm Lời Chúa
Bài 16:
Nỗ Lực của Loài Người Chống Lại
Đức Chúa Trời

KINHTHÁNH

Sáng Thế Ký 11:1-9


Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.
(Sáng Thế Ký 11:9)

Câu chuyện tháp Ba-bên là câu chuyện khiến cho nhiều người đọc nghi ngờ về tính xác thật của nó. Người ta cho rằng đây là câu chuyện thần thoại hoặc là câu chuyện hoang tưởng để giải thích về ngôn ngữ của loài người. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và Ngài bày tỏ cho loài người về những gì đã xảy ra. Vào thời điểm này loài người phát triển nhiều trên đất và vẫn tiếp tục sống trong sự gian ác của mình. Điều gì đã xảy ra và tại sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào lịch sử của loài người? Chúng ta cùng suy gẫm qua các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1: Ba-bên ở đâu và tại sao loài người tập trung tại đây?
Tên Ba-bên là một tên viết tắt chỉ về thành phố Ba-by-lôn mà Kinh Thánh nhắc đến đó là vùng đồng bằng Si-nê-a. Vùng đồng bằng này cũng có thể gọi là vùng Mê-sô-bô-ta-mi, là nơi có những con sông Ơ-phơ-rát và Hi-đê-ke, và ngày nay thuộc về những nước như I-rắc, I-ran, và Ả-rập. Lịch sử cho thấy nền văn minh lâu đời nhất được tìm thấy là nền văn minh thuộc cư dân vùng Mê-sô-bô-ta-mi, nơi loài người đã biết làm nên những gạch, đồ gốm sứ. Đây cũng là nơi có chữ viết sớm nhất.
Vì đây là nơi phát triển sớm nhất về kinh tế, và hệ thống tôn giáo nên loài người tập trung đông đảo tại đây. Đức Chúa Trời phán dạy gia đình Nô-ê và dòng dõi ông hãy sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy trên mặt đất. Tuy nhiên, loài người trong thời kỳ này đã tìm mọi cách tập trung lại. Vì họ là một thứ dân, nói chung một thứ tiếng nên khi hiệp lại họ trở thành hùng mạnh. Do đó có nhiều kỹ thuật văn minh phát triển.
Câu hỏi 2: Mục đích xây cất tháp Ba-bên là gì và tại sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào cuộc sống của loài người?
Mục đích của công trình xây dựng được chép lại trong câu 4: "Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất." Mục đích của việc xây tháp không phải vì các
trận nước lụt trước đó, cũng không phải vì là để cứu loài người, nhưng đó là để làm rạng danh.
Tuy nhiên, mục đích xây dựng tháp Ba-bên không chỉ là một các tháp bình thường. Nó là một cái tháp mang tính tôn giáo. Sự mô tả cao đến tận trời không phải là chiều cao đến tận trời mà là một cái tháp rất cao, mà trên đó là đền thờ để thờ thần mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Sử gia Giô-se-phus cho rằng toàn bộ hoạt động xây dựng này là do Nim-rốt (10:8), một người cháu của Cham (dòng dõi bị rủa sả) đã trở nên hùng mạnh và gian ác trước mặt Đức Chúa Trời. Mục đích xây dựng tháp Ba-bên là để chống lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nim-rốt muốn lôi kéo cả loài người vào trong sự thờ phượng các vị thần huyền bí Mặt Trời, Mặt Trăng và Các Tinh Tú. Sau khi Nim-rốt qua đời, người ta bắt đầu thờ Nim-rốt như là thần mặt trời và con ông là thần Da-mu. Đây là nguồn gốc dẫn đến sự thờ thần Ba-anh sau này của dân Ca-na-an. Dĩ nhiên, tất cả sự thờ thần mặt trời, mặt trăng và tinh tú là căn nguyên của tôn giáo huyền bí Ba-by-lôn sau này.
Vì không điều gì có thể dừng lại công việc xây dựng, cũng như ý tưởng gian ác của loài người, nên Đức Chúa Trời đã làm cho lộn xốn tiếng nói của chúng nó. Rồi từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất và họ thôi việc xây cất. Đây là sự giải thích cho nguồn gốc của tất cả ngôn ngữ khác nhau của loài người và đặc điểm của các dân tộc trên đất.
Câu Hỏi Thảo Luận:
1) Vì sao loài người không học bài học về sự huỷ diệt của Đức Chúa Trời qua cơn Đại Hồng Thuỷ? Bản chất của loài người là gì?
2) Hãy phân tích nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng tháp Ba-bên và mục đích đằng sau công trình này?

3) Vì sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào lịch sử loài người? Bạn học được điều gì về Đức Chúa Trời? Bạn học được điều gì qua bài học này?