loi chua anh bia anh bia
1 2 3 4

Sunday, February 15, 2015

Suy Gẫm Lời Chúa - Bài 16

HỘI THÁNH PHƯỚC LÀNH SAN DIEGO

Suy Gẫm Lời Chúa
Bài 16:
Nỗ Lực của Loài Người Chống Lại
Đức Chúa Trời

KINHTHÁNH

Sáng Thế Ký 11:1-9


Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.
(Sáng Thế Ký 11:9)

Câu chuyện tháp Ba-bên là câu chuyện khiến cho nhiều người đọc nghi ngờ về tính xác thật của nó. Người ta cho rằng đây là câu chuyện thần thoại hoặc là câu chuyện hoang tưởng để giải thích về ngôn ngữ của loài người. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và Ngài bày tỏ cho loài người về những gì đã xảy ra. Vào thời điểm này loài người phát triển nhiều trên đất và vẫn tiếp tục sống trong sự gian ác của mình. Điều gì đã xảy ra và tại sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào lịch sử của loài người? Chúng ta cùng suy gẫm qua các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1: Ba-bên ở đâu và tại sao loài người tập trung tại đây?
Tên Ba-bên là một tên viết tắt chỉ về thành phố Ba-by-lôn mà Kinh Thánh nhắc đến đó là vùng đồng bằng Si-nê-a. Vùng đồng bằng này cũng có thể gọi là vùng Mê-sô-bô-ta-mi, là nơi có những con sông Ơ-phơ-rát và Hi-đê-ke, và ngày nay thuộc về những nước như I-rắc, I-ran, và Ả-rập. Lịch sử cho thấy nền văn minh lâu đời nhất được tìm thấy là nền văn minh thuộc cư dân vùng Mê-sô-bô-ta-mi, nơi loài người đã biết làm nên những gạch, đồ gốm sứ. Đây cũng là nơi có chữ viết sớm nhất.
Vì đây là nơi phát triển sớm nhất về kinh tế, và hệ thống tôn giáo nên loài người tập trung đông đảo tại đây. Đức Chúa Trời phán dạy gia đình Nô-ê và dòng dõi ông hãy sanh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy trên mặt đất. Tuy nhiên, loài người trong thời kỳ này đã tìm mọi cách tập trung lại. Vì họ là một thứ dân, nói chung một thứ tiếng nên khi hiệp lại họ trở thành hùng mạnh. Do đó có nhiều kỹ thuật văn minh phát triển.
Câu hỏi 2: Mục đích xây cất tháp Ba-bên là gì và tại sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào cuộc sống của loài người?
Mục đích của công trình xây dựng được chép lại trong câu 4: "Lại nói rằng: Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất." Mục đích của việc xây tháp không phải vì các
trận nước lụt trước đó, cũng không phải vì là để cứu loài người, nhưng đó là để làm rạng danh.
Tuy nhiên, mục đích xây dựng tháp Ba-bên không chỉ là một các tháp bình thường. Nó là một cái tháp mang tính tôn giáo. Sự mô tả cao đến tận trời không phải là chiều cao đến tận trời mà là một cái tháp rất cao, mà trên đó là đền thờ để thờ thần mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Sử gia Giô-se-phus cho rằng toàn bộ hoạt động xây dựng này là do Nim-rốt (10:8), một người cháu của Cham (dòng dõi bị rủa sả) đã trở nên hùng mạnh và gian ác trước mặt Đức Chúa Trời. Mục đích xây dựng tháp Ba-bên là để chống lại sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nim-rốt muốn lôi kéo cả loài người vào trong sự thờ phượng các vị thần huyền bí Mặt Trời, Mặt Trăng và Các Tinh Tú. Sau khi Nim-rốt qua đời, người ta bắt đầu thờ Nim-rốt như là thần mặt trời và con ông là thần Da-mu. Đây là nguồn gốc dẫn đến sự thờ thần Ba-anh sau này của dân Ca-na-an. Dĩ nhiên, tất cả sự thờ thần mặt trời, mặt trăng và tinh tú là căn nguyên của tôn giáo huyền bí Ba-by-lôn sau này.
Vì không điều gì có thể dừng lại công việc xây dựng, cũng như ý tưởng gian ác của loài người, nên Đức Chúa Trời đã làm cho lộn xốn tiếng nói của chúng nó. Rồi từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất và họ thôi việc xây cất. Đây là sự giải thích cho nguồn gốc của tất cả ngôn ngữ khác nhau của loài người và đặc điểm của các dân tộc trên đất.
Câu Hỏi Thảo Luận:
1) Vì sao loài người không học bài học về sự huỷ diệt của Đức Chúa Trời qua cơn Đại Hồng Thuỷ? Bản chất của loài người là gì?
2) Hãy phân tích nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng tháp Ba-bên và mục đích đằng sau công trình này?

3) Vì sao Đức Chúa Trời phải can thiệp vào lịch sử loài người? Bạn học được điều gì về Đức Chúa Trời? Bạn học được điều gì qua bài học này?

No comments:

Post a Comment

Đóng Góp Ý Kiến